Bộ Nông nghiệp và hợp tác xã Thái Lan vừa công bố kế hoạch nhằm tăng gấp ba lần thu nhập cho nông dân địa phương vào năm 2028, định hình cục diện nền nông nghiệp đất nước.

Ứng dụng công nghệ

Kế hoạch cách mạng hóa nền nông nghiệp, cải thiện thu nhập cho nông dân của Bộ Nông nghiệp và hợp tác xã Thái Lan tập trung việc tận dụng công nghệ tiên tiến và đổi mới.

Tích hợp công nghệ chuỗi khối (blockchain) vào nền tảng thương mại điện tử để đảm bảo tính minh bạch và công bằng trong thương mại, cho phép nông dân nhận được phần lợi nhuận công bằng.

Bên cạnh đẩy mạnh chiến lược đổi mới năng lượng, phát triển cơ sở hạ tầng dữ liệu giúp giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất cây trồng, Thái Lan sẽ phổ biến ứng dụng Pirunraj - nền tảng tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch trực tiếp giữa nông dân và người tiêu dùng, bỏ qua khâu trung gian trong tiêu thụ nông sản, cải thiện thu nhập cho người sản xuất.

Ứng phó biến đổi khí hậu

Một vấn đề cấp bách khác ngành nông nghiệp nhiều quốc gia bao gồm Thái Lan phải đối mặt là tác động của biến đổi khí hậu, dẫn đến suy giảm nguồn nước.

Bộ Nông nghiệp và hợp tác xã Thái Lan nhận định, sự chuyển đổi hướng tới nông nghiệp thông minh thông qua áp dụng công nghệ và kỹ thuật canh tác đổi mới được coi là mấu chốt trong việc giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đối với nền kinh tế và đảm bảo tính bền vững của ngành nông nghiệp.

Thái Lan khuyến khích nông dân địa phương chuyển đổi cây trồng thích ứng thời tiết khi nguồn cung cấp nước ở nước này hiện ở mức thấp do tác động của biến đổi khí hậu và các yếu tố khác.

Cục Khuyến nông Thái Lan mới đây kêu gọi nông dân trồng lúa. Đặc biệt trong lưu vực sông Chao Phraya không nên canh tác vụ lúa thứ hai, thay vào đó nên trồng những cây cần ít nước hơn như cà chua, bắp ngọt, bí ngô, dưa hấu và đậu.

Mô hình kinh tế sinh học - tuần hoàn - xanh

Việc triển khai mô hình kinh tế sinh học - tuần hoàn - xanh (BCG) là minh chứng cho cam kết phát triển bền vững của Thái Lan, góp phần giảm khí thải nhà kính, tiến tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0.

Mô hình BCG giúp hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với bảo tồn môi trường. Trong đó, quan hệ đối tác công - tư đóng vai trò quan trọng, thúc đẩy sự hợp tác giữa chính phủ, khu vực tư nhân và nông dân.

Để thực hiện kế hoạch đầy tham vọng trên, Bộ Nông nghiệp và hợp tác xã Thái Lan vừa đề xuất ngân sách tài chính cho năm tới ở mức 411 tỷ baht (11,4 tỷ USD) nhằm thúc đẩy các hoạt động du lịch nông nghiệp, tìm kiếm thị trường mới, giải quyết các vấn đề về thủy sản, nợ nần và ô nhiễm khói mù, thúc đẩy công nghệ canh tác tiên tiến, cải thiện quản lý nước và sản xuất cây trồng, hỗ trợ cây giống, cũng như nâng cấp quyền sở hữu đất đai cho nông dân - nhóm lao động lớn nhất tại Thái Lan.

Nguồn : https://baoquangnam.vn/thai-lan-cai-thien-thu-nhap-cho-nong-dan-3130044.html